Dec 2, 2014

Vụ Uber: có như thương lái Trung Quốc mua banh lông?

Ảnh của Reuters
Nhiều người dân ở Việt Nam trước giờ vẫn ưa chạy theo cái lợi trước mắt và khó nhìn thấy cái hại về lâu dài. Trong những năm qua các vụ thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường Việt Nam ở một lĩnh vực nào đó xảy ra liên tục. Anh em với Việt Nam còn làm vậy, huống chi bọn tư bản giãy chết còn mưu sâu kế thâm hơn đến mức nào? Nhân tiện rảnh rỗi chờ đến tối đi đá banh, mình làm tiếp một bài về Uber vậy ^^! 

Sản phẩm tuyệt vời

Giá rẻ hơn taxi 20%, xe sạch, không bảng hiệu taxi, không cần trả tiền mặt, lâu lâu còn trúng xe "xịn" như Mercedes, BMW... rất oai với bạn bè. Cái lợi cho người dùng không gì phải bàn cãi. Ai cũng ước mong toàn bộ taxi đều được như vậy.

PR đẳng cấp

Những ai theo dõi tin tức công nghệ thế giới đều biết đây là chiến lược của Uber mỗi khi vào quốc gia mới: giá thật rẻ, dịch vụ thật tốt, nhưng không tuân theo luật có sẵn vì luật thường không chạy theo kịp công nghệ và thời đại. Chính phủ sẽ siết chặt hoặc cấm hẳn, như ở Berlin, Kuala Lumpur, Bangkok, Manila. Khi chính quyền sở tại ban hành lệnh cấm, tất cả các báo sẽ đăng tải và Uber được quảng bá miễn phí trên toàn bộ phương tiện truyền thông chính thống, vì tất cả những gì người dùng quan tâm là tốt và rẻ, chứ không phải có đúng luật hay không. Ngay sau khi đăng tin cấm, lượt người đi xe Uber ở Berlin tăng gấp 3, ở KL tăng gấp 5, còn ở Tp. HCM chắc tăng sẽ không kém.

Đúng theo "bài" này, ngay sau khi chính phủ ra thông báo cấm, Uber sẽ phát động phong trào ủng hộ cho chính mình, như trang Facebook ủng hộ Uber tại Kuala Lumpur, và gần đây là hashtag #toichonubervn. Tâm lý ức chế bởi các luật lệ ở đâu cũng có mà ở Việt Nam thì lại nhiều anh hùng bàn phím nhất nhì thế giới và khách hàng đã sử dụng Uber sẽ luôn là người ủng hộ nhiệt tình.

Tóm lại các bước: giá rẻ, sản phẩm tốt, trái luật, PR miễn phí, kêu gọi ủng hộ, tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đều đang là thành phần đóng góp nhiệt tình vào chiến lược truyền thông này của "Uber". Tôi, khi viết các bài này, và các bạn khi đọc những bài này, đều như vậy!

Và sau đó thường Uber không sợ, vì tài xế sẵn sàng làm liều khi có lời, và rất khó bắt phạt xe vì cơ quan chức năng có nhìn cũng không biết xe nào là Uber. Ở một số nước tuy ra lệnh cấm nhưng không đủ người đi bắt và phạt, hơn nữa Uber cũng sẵn sàng chơi đẹp "bao" luôn tiền phạt cho chủ xe. Tương tự ở Việt Nam, dự đoán rằng lực lượng chức năng cũng không đủ người theo phạt và cuối cùng sẽ bỏ cuộc hoặc sẽ đầu voi đuôi chuột ^^!

Vì sao giá rẻ?

Một chiếc Innova giá thuê từ công ty xe khoảng 30 triệu/tháng, doanh thu mỗi xe mỗi ngày khoảng một triệu đồng, vậy một tháng cũng thu lại 30 triệu. Chưa tính tiền xăng, tài xế, bảo trì, bảo hiểm... một tháng trung bình Uber lỗ 10 triệu cho 1 chiếc Innova. Chưa kể lâu lâu gặp Mercedes E-class hay BMW series 5, một tháng chi phí thuê khoảng 60 triệu hoặc hơn.

Trung bình lỗ 10 triệu/chiếc xe mà Uber có khoảng 200 chiếc, vậy chỉ ở Tp. HCM mỗi tháng Uber lỗ 2 tỷ. Chưa kể chi phí marketing, và "tín dụng" thưởng khi giới thiệu bạn bè, chưa kể tiền lương nhân viên...


Xe taxi khi mua được đặt hàng với số lượng lớn cả ngàn chiếc và được tùy chỉnh riêng theo yêu cầu hãng taxi nên giá rẻ hơn nhiều so với xe nhà. Vậy sao xe nhà chạy cho Uber có thể lời hơn? Câu trả lời là không, vì Uber vẫn đang bù lỗ. Với ý tưởng từ Mỹ, là nơi mà xe hơi rất rẻ, thì có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để chạy làm taxi, còn ở Việt Nam nơi giá xe hơi đắt gấp ba lần giá gốc, liệu Việt Nam có thật sự là nơi mô hình này hoạt động hiệu quả?

Một câu chuyện ẩn dụ được chia sẻ nhiều trên mạng: cô gái cầm rìu bị thiêu vì dám làm hiệu quả hơn, nhưng nếu Uber đang lỗ thì có thật sự là hiệu quả hơn, đây có thật sự là cây rìu chặt gỗ tốt? Hay đây là câu chuyện của thương lái Trung Quốc mua banh lông ở Phú Quốc với giá cao: toàn bộ các tàu đánh cá chuyển sang đánh bắt banh lông, cào xới biển, làm hư hại môi trường và cuối cùng lỗ nặng vì đã lỡ đầu tư và cuối cùng thương lái biến mất không bán được? Không ai trả lời được câu hỏi này cho đến khi Uber bắt đầu có lãi, lúc đó ta sẽ biết giá thật. Chỉ sợ khi đó các nhà xe đã lỡ ham lời nên đầu tư lớn nhiều xe và ngậm ngùi chịu ép giá.

Người dân càn quét banh lông để bán cho thương lái Trung Quốc - Ảnh mượn của Zing
Tăng giá khi đã độc quyền?

Mô hình kinh doanh chính của Uber là "surge pricing": tăng giá khi thiếu xe. Sau khi hoạt động một thời gian dài với giá rẻ, người tiêu dùng đã "nghiện" và các hãng taxi đã giãy chết, đây chính là lúc Uber độc quyền hoàn toàn về giá. Vì không là taxi nên Uber có quyền tăng giảm giá bất cứ lúc nào tùy thích, các cơ quan quản lý cũng không thể nào giám sát được. Những giờ cao điểm thiếu xe, việc tăng giá gấp đôi là bình thường, đơn cử như gần đây sau lễ hội Halloween giá Uber bên Mỹ đã tăng gấp 7-8 lần so với bình thường. Lúc này người dùng không còn lựa chọn nào khác (sau khi taxi đã chết sạch). Ngay cả ở Việt Nam chúng ta, gần đây Uber cũng đã có dấu hiệu tăng giá, nhưng vẫn còn thấp hơn taxi nên người dùng vẫn còn chấp nhận được. 

Taxi mà chết, giá của Uber sẽ tăng và người dùng sẽ tự nhận hậu quả từ sự lựa chọn của mình - Ảnh lụm trên mạng
Có trốn thuế? Có vi phạm pháp luật?

Uber bảo rằng các công ty kinh doanh vận tải ở Việt Nam (nhà xe) đã đóng thuế. nhưng các nhà xe chỉ lấy 80%, còn 20% doanh thu của Uber thì Uber có đóng không hay tiền chạy về trụ sở chính ở Mỹ? Các vấn đề về nghĩa vụ đối với tài xế là người lao động của Uber và/hoặc của nhà xe có được thực hiện đầy đủ không khi không ai có thể xác minh được chính xác có bao nhiêu xe, bao nhiêu tài xế tham gia vào mạng lưới của Uber?

Uber: người tốt hay người xấu?

Với người tiêu dùng từ trước đến nay Uber luôn được xem là người tốt: an toàn, tin cậy, nhanh, hiện đại, rẻ. Nhưng các vụ lùm xùm gần đây đã bắt đầu làm lung lay lòng tin: Emil Michael, phó chủ tịch cấp cao của Uber đã tuyên bố sẽ dành ra một triệu USD để điều tra nhân thân và bới dấu vết của những nhà báo dám nói xấu Uber. Giám đốc Uber New York Josh Mohrer thì tự ý theo dõi các chuyến đi của nhà báo mà không được phép. 

Tin đồn về ứng dụng trên Android của Uber thu thập dữ liệu cá nhân không cần thiết, tuy Uber phủ nhận và sau đó xóa ngay các hàm "kỳ lạ" nhưng đã kịp làm người dùng lo lắng về sự riêng tư cá nhân của mình. Uber cũng luôn chơi xấu các đối thủ như đặt xe của Lyft và hủy liên tục, và "phá đám" quá trình gọi vốn của đối thủ của mình. Những sự vụ này cho thấy Uber khao khát chiến thắng và sẵn sàng làm mọi cách để đạt được điều đó.

Bạn trẻ hacker hay nghịch Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ tìm hiểu về các hàm đáng nghi của Uber trên Facebook cá nhân của mình.
Taxi phải thay đổi

Sự kiện Uber cho thấy rõ ràng taxi phải thay đổi, không thể chấp nhận mãi những chiếc xe hôi, xấu xí, tài xế cộc cằn, làm mất đồ, cướp của. Taxi phải hòa nhập với xu thế, phải cho khách đặt qua "áp", phải cho tính tiền bằng thẻ, và nếu được, có xe Mercedes hay BMW làm taxi càng tốt, không có biển taxi càng hay. Thay vì cấm tiệt thì hãy quản lý theo thời đại, cho người dùng thêm lựa chọn một loại taxi VIP hoạt động đúng pháp luật và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

(*) Bài viết phản ánh ý kiến chủ quan của tác giả.

Dec 1, 2014

Vài suy nghĩ về vấn đề Uber


Tranh cãi xung quanh vấn đề Uber không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà trên đa số các nước dịch vụ này có mặt. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau thì cách tiếp cận cũng sẽ hoàn toàn khác nhau. Cụ thể ở Việt Nam, Uber đang đối mặt với những vấn đề gì?

1. Thách thức đối với các hãng taxi

Bất cứ ai đã từng sử dụng dịch vụ của Uber đều có thể xác nhận đây là hình thức rất an toàn, chi phí rẻ hơn và "ngầu" hơn sử dụng taxi; người sử dụng cũng được đối xử thân thiện và trân trọng hơn so với đi taxi truyền thống.

Một số bài báo có thể đặt ra các vấn đề về tính pháp lý của Uber để có trách nhiệm xử lý những trường hợp mất hoặc để quên đồ đạc trên xe nhưng trên thực tế việc mất hoặc để quên đồ đạc trên xe thường rất khó được các hãng taxi xử lý thích đáng, còn chưa nói đến một số hiện tượng tài xế taxi cố ý lấy đồ, dàn xếp trộm, cướp người sử dụng dịch vụ. Còn đối với Uber, chỉ cần có báo cáo từ người dùng, các tài xế sẽ đối mặt với việc mất luôn công việc đó. Với ưu thế về công nghệ, Uber có thể lưu trữ mọi thông tin về chuyến đi, tài xế, hành khách... để đảm bảo an toàn cho các bên.

Thách thức của Uber đối với các hãng taxi là rất rõ ràng: để đảm bảo được sự cạnh tranh, các hãng taxi buộc phải điều chỉnh thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng... đồng nghĩa với việc tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Đây là một kịch bản khó khăn và khó chấp nhận đối với các hãng taxi hiện nay.

2. Thách thức đối với chính sách

Sở dĩ Uber có nhiều lợi thế hơn và trở thành mối đe dọa đối với các hãng taxi không phải nằm ở vấn đề công nghệ mà nằm ở mô hình kinh doanh. Uber là giải pháp kết nối giữa những người chủ xe với những người có nhu cầu đi xe. Các xe của Uber không có phù hiệu taxi, không logo, không đồng hồ tính cước như những xe taxi khác và tất nhiên cũng không phải đóng (hoặc khó cho các cơ quan quản lý tiến hành thu) các loại phí, thuế tương ứng với dịch vụ vận chuyển mà các hãng taxi truyền thống khác phải đóng.

Theo tôi, vấn đề mâu thuẫn lớn nhất không phải nằm ở sự cạnh tranh giữa Uber với các hãng taxi mà là mâu thuẫn giữa sự tiến hóa của các mô hình kinh doanh mới với chính sách quản lý kinh tế hiện tại của Việt Nam. Việc chấp nhận và hợp thức hóa mô hình kinh doanh của Uber đồng nghĩa với hoặc sẽ kéo theo việc chấp nhận nền kinh tế chia sẻ dựa trên các thỏa thuận dân sự mà không có sự giám sát, quản lý và thu phí/thuế của chính quyền. Lúc đó, tất cả các hãng taxi truyền thống sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng này và chính quyền sẽ mất đi các khoản thuế, phí so với trước đây. Và mô hình này sẽ không chỉ dừng ở dịch vụ taxi mà còn sẽ lan ra các hình thức dịch vụ vận tải khác, hình thức kinh doanh khách sạn mini, thậm chí cả những hình thức thương mại hàng hóa...

3. Kịch bản nào cho Uber tại Việt Nam?

Tuyên bố mới đây của Uber trong một chiến dịch truyền thông kêu gọi sự ủng hộ của người dùng có tên "Tôi Chọn Uber" có nội dung như sau:

"Chúng tôi không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê tài xế. Nền tảng của chúng tôi chỉ đơn giản là kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật giao thông vận tải được công nhận và áp dụng bởi chính quyền địa phương."

Với đoạn được in đậm, chúng ta có thể hiểu được hai hướng như sau:

a. Uber quyết định "nhập gia tùy tục" để được hoạt động tại Việt Nam, từ bỏ mô hình ban đầu là kết nối giữa chủ xe và người có nhu cầu đi xe sang hình thức trung gian giống GrabTaxi và theo đó các xe của Uber cũng sẽ buộc phải "tùy tục" gắn lên mình phù hiệu, logo... rồi cũng sẽ gánh cả các loại thuế/phí như các hãng taxi khác và dần mất đi luôn lợi thế cạnh tranh.

b. Đây chỉ là một phát ngôn nhằm trấn an dư luận. Mô hình kinh doanh của Uber sẽ không bao giờ cho chính quyền biết được xe nào là xe thuộc những công ty vận tại dịch vụ đã được cấp phép và xe nào là xe trực tiếp của cá nhân sở hữu tham gia vào mạng lưới của Uber cũng như tỷ lệ giữa hai loại hình xe này. Đơn cử mới đây, trên báo Dân trí, đại diện của Uber cho biết phía Uber đã ký hợp đồng với khoảng 200 công ty vận tải tại TPHCM, tuy nhiên, khi phóng viên hỏi cụ thể là đơn vị nào thì ông này từ chối trả lời vì liên quan đến bí mật kinh doanh.

Tóm lại, có thể nói rằng, Uber không phải đối mặt với sự cạnh tranh của các hãng taxi truyền thống như trong truyện dụ ngôn về cấm Uber mới đây được lan truyền trên mạng mà là đối mặt với việc cần phải có một cuộc cách mạng về quản lý kinh tế của chính quyền Việt Nam mà trong thời gian ngắn rất khó có khả năng xảy ra. Tôi chưa sử dụng dịch vụ của Uber nhưng thông qua bạn bè, tôi có thể tin tưởng rằng dịch vụ của Uber rất tốt. Tuy nhiên, việc xuất hiện ở tại thời điểm này thì có thể nói với Uber rằng "Anh rất tốt, nhưng em rất tiếc!"

(*) Bài viết phản ánh ý kiến chủ quan của tác giả